Lời nói đầu
Tôi biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 15 năm nay. Từ nhà tôi sang nhà anh không xa
lắm. Những khi rỗi rãi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay sang nhà nhau chơi.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay (năm Giáp Thân, 2004), Nguyễn Huy Thiệp có vẻ bồn
chồn khác thường. 29 Tết, Nguyễn Huy Thiệp sang nhà tôi, anh rủ tôi đi chợ hoa
trên đê Yên Phụ. Anh có vẻ thích mấy chậu hoa mai vàng Đà Lạt nhưng khi biết giá
tiền, anh lại tần ngần bỏ đi. Một chậu hoa mai vàng chơi được giá cũng phải tới
100 đô-la, số tiền này có vẻ xa xỉ với anh - một nhà văn quèn quen sống thanh
đạm (đấy là căn cứ trên sự quan sát của tôi).
Tôi nài Nguyễn Huy Thiệp mua tặng tôi một cành đào Nhật Tân mà tôi lựa chọn. Anh
đồng ý nhưng không tỏ ra thích cành đào của tôi (thị hiếu thẩm mỹ của hai chúng
tôi khác nhau: anh thiên về vẻ đẹp thực dụng, còn tôi thì thích những vẻ đẹp
tình cảm). Chia tay nhau chúng tôi chúc nhau những điều tốt lành và hẹn gặp lại
vào năm mới, vào ngày mồng 3 Tết. Người bán hoa tặng anh một giò hoa thủy tiên
vì thấy anh mua cành đào cho tôi với giá hớ khác thường.
Sáng mồng 3 Tết, Nguyễn Huy Thiệp lại đến nhà tôi. Chúng tôi đi chơi xa, lên
vùng núi Kim Bôi - Hòa Bình, bỏ lại sau lưng cửa Đông Hoa chốn Kinh thành toàn
là bụi bặm. Trong chuyến đi, anh hầu như chỉ nói những suy nghĩ của anh về văn
học. ít lâu sau, tôi thấy những suy nghĩ đó được in trong bài Trò chuyện với hoa
thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.
Cả Nguyễn Huy Thiệp và tôi đều không ngờ bài báo (mà có người coi đó là những
tiểu luận văn học đặc sắc) lại gây ra một cuộc tranh luận văn học sôi nổi như
vậy, trong đó thấy có không ít những ý kiến phản bác lại anh. Trong mấy tháng
trời, ở các công sở và ở các quán cà-phê sành điệu Hà Nội và thành phố Hồ Chí
Minh, sáng nào người ta cũng bàn tán về sự kiện hoa thủy tiên. Các bài viết trên
báo chí chính thống và trên mạng Internet được đưa ra phân tích, thảo luận. Có
thể nói, rất lâu trên lĩnh vực sinh họat văn học ở Việt Nam mới lại có một cuộc
ẩu chiến dữ dội đến thế. Nguyễn Huy Thiệp được đưa ra mổ xẻ. Bạn đọc chẳng khó
khăn gì không nhận ra những đường dao nhát kiếm đầy ác ý chĩa vào anh. Một mặt
khác, người ta cũng nhận ra những thiện ý và những lời trao đổi tích cực đối với
văn học.
Nguyễn Huy Thiệp theo dõi tất cả những ý kiến quanh sự kiện hoa thủy tiên. Tôi
rất ngạc nhiên vì thấy anh luôn tỏ ra bình tĩnh, không hề tỏ ra khó chịu trước
những ý kiến phản bác lại mình. Anh nói:
- Trường văn trận bút. Chuyện ấy là thường.
Tôi không tán thành (có lẽ vì tôi còn trẻ và do đó, tôi khá nóng nảy), tôi chỉ
ra những đoạn tiểu khí và vu khống, ác ý trong nhiều bài viết, tôi đề nghị
Nguyễn Huy Thiệp trả lời nhưng anh chỉ cười, lắc đầu. Anh nói:
- Thực ra, trong toàn bộ những ý kiến phản bác tôi... đa số đều tầm thường,
không ngại. Chỉ riêng ở trường hợp Trần Đăng Khoa thì có lẽ cần phải đối thoại.
Tôi hỏi vì sao? Anh bảo:
- Anh hãy tự nghĩ lấy.
Tôi về tôi nghĩ như sau:
- Trần Đăng Khoa là một thần đồng, anh là một nhà thơ có thiên nhãn. Cũng như
Nguyễn Huy Thiệp, có thể coi Trần Đăng Khoa là một người giời... ảnh hưởng xã
hội của Trần Đăng Khoa rất lớn. Thái độ của Trần Đăng Khoa với văn học có ảnh
hưởng nhất định đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Đáng lẽ, anh ấy không nên trò
chuyện với Nguyễn Văn Thọ về Nguyễn Huy Thiệp. Trần Đăng Khoa cũng không nên
đứng trong đội ngũ những người phản bác Nguyễn Huy Thiệp trong sự kiện hoa thủy
tiên mới phải.
Nguyễn Huy Thiệp cũng ngại đụng chạm (ngay cả với Trần Đăng Khoa) nên trước sau
quanh sự kiện hoa thủy tiên anh nhất thiết không trả lời ai. Tôi rất bất bình,
thậm chí đôi khi còn nặng lời với anh rằng anh hèn, rằng anh nhu nhược, dĩ hòa
vi quý v.v... Nguyễn Huy Thiệp trước sau chỉ cười. Tôi nhận ra một nỗi buồn tê
tái trong ánh mắt anh khi ấy. Quá bực mình, tôi về nhà ngồi viết vở kịch Mổ nhà
văn, lấy bối cảnh quanh sự kiện hoa thủy tiên. Tôi biết, Nguyễn Huy Thiệp sẽ
trách cứ tôi khi viết vở kịch này nhưng tôi mặc kệ - anh không phải là tôi, tôi
không phải là anh. Nguyễn Huy Thiệp bây giờ là một nhà văn danh tiếng, có thể có
những điều anh ấy phải giữ gìn, phải bảo trọng. Còn tôi, tôi chỉ là một fan của
anh, một người bạn, chúng tôi đã có 15 năm gần gũi thân thiết, tôi phải đứng ra
bảo vệ anh. Tôi nghĩ bảo vệ anh, cũng là bảo vệ những giá trị văn học chính
đáng, bảo vệ sự liêm sỉ của người cầm bút chân thực.
Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại cũng là lẽ thường. Ân oán phân minh là một thái
độ của người quân tử. Trường văn trận bút, khắc làm khắc chịu... đấy cũng là bản
lĩnh sống giữa mọi người. Về mặt xã hội, vở kịch của tôi cũng chỉ là một cử chỉ
bất bình hồn nhiên (giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha) nhưng vì gắn với tên
tuổi Nguyễn Huy Thiệp, biết đâu người ta cũng sẽ chẳng nhắc đến tên tôi sau này
trong văn học sử?
Tôi không mong điều ấy nhưng nếu được thế thì đây sẽ là một chuyện mua vui cũng
được một vài trống canh hi hữu.
Kìa tiếng trống! Kìa tiếng chiêng! Vở kịch đã bắt đầu rồi. Xin mời bạn đọc xem
bảng phân vai nhân vật, biết đâu lại chẳng thấy mình trong đó?
Thích Thiện Ngân