Hồi thứ hai



Vẫn là "Bệnh viện tình thương" ở giữa có kê bàn mổ. Các dụng cụ mổ bày la liệt, có vẻ hơi giống dụng cụ tra tấn. K-Oa và Nghé ọ mặc áo blu đang ngồi chờ bệnh nhân. Trong khi chờ đợi, họ nói chuyện vãn. Nghé ọ thỉnh thoảng đứng lên đi đi lại lại.


Nghé ọ: Tại sao lại lâu thế nhỉ? Chẳng lẽ bọn trương tuần không bắt được một tay nhà văn sống nào à?
K-Oa: Bọn nhà văn sống là rất khó bắt. Nói thật với ông nhé! ở bệnh viện này các bác sĩ từ xưa đến nay chỉ toàn mổ bọn nhà văn chết... Có nhiều tay chết đến mấy chục năm vẫn bị đào xác lên mổ... Xác chết thì chẳng thể phân biệt được, chẳng ai biết đâu mà lần, chẳng ai biết đâu là xương, đâu là da... bởi vậy khi mổ xác chết, rất khó mà định ra được tay nghề, trình độ của các bác sĩ. Đánh bùn sang ao, như nhau hết. Ông bảo, hai chữ song viết với song kiết thì nói là xương đùi cũng được, xương sườn cũng được, có đúng không nào(1)?
Nghé ọ: Đúng rồi! Chỉ thấy nó đen đen, thui thui...
K-Oa: Trong bệnh viện này, không thể nào phân biệt được trình độ chuyên môn... Ai cũng là bác sĩ ráo, từ thằng đánh giày, thằng lính kèn cầu bơ cầu bất đến ông học giả đạo mạo. Tuốt tuồn tuột!
Nghé ọ: Thế mới gọi là dân chủ chứ... Ha ha, thế mới gọi là dân chủ thái bình.
K-Oa: Chỉ có các bậc bô lão họp lại thành một hội đồng, gọi là hội đồng tiên chỉ mang tính chất giới luật hương ước mà thôi!
Nghé ọ: Tiên chỉ... hay là chi tiền? Hôm nọ có một ông Mai tiên sinh nào đấy mặc cả: Không có tiền là không có mổ xẻ gì đâu. Không có ngon trớn. Tất cả là vì nhân danh tình yêu đối với văn học! Nếu tôi không yêu văn học thì tôi sẽ chẳng vào đây làm gì, tôi đi buôn muối, tôi sướng chán!
K-Oa: Thì tôi cũng thế... Nếu không vì tình yêu đối với văn học thì tôi đã đi bắt cua.
Nghé ọ: Thế mới biết văn học là thứ ghê thật. Theo ông nó là cái gì? Nó là cái gì mà khiến cho cả tôi và ông đều vất vả, đều đầu tắt mặt tối, đều điên lên vì nó?
K-Oa: Câu hỏi ấy sao ông lại đi hỏi tôi? Câu hỏi ấy để tí nữa ta hỏi thằng nhà văn, cái thằng mà ta sẽ mổ xẻ nó ấy. Khi ta mổ nó thì ta sẽ hỏi. Tôi với ông bây giờ là bác sĩ mổ xẻ, chúng ta đứng cao hơn con bệnh của mình. Tôi là người trọng thực tiễn, ông ạ. Tôi không phù phiếm, nhất là về tư tưởng. Chúng ta là những người lính, chúng ta đang làm nhiệm vụ của mình. Đấy là tôi nhắc ông thế.
Nghé ọ: Ông không nhắc thì tôi cũng quên béng mất nguồn gốc nguyên thủy của mình. Tôi cũng là một tên lính cựu. Có điều, tôi không phải là lính chuyên nghiệp như ông. Tôi tuột xích, không biết đấy là một sai lầm hay một cơ may cho số phận tôi... Tôi rất tự hào với lon trung úy. Hay thật, cả hai chúng ta đều có chung nguồn gốc nguyên thủy. Chúng ta đều là lính, tức là những người rất quyết đóan, rất nóng.
K-Oa: Cũng chẳng phải vinh dự gì. Chuyên môn của chúng ta nói trắng phớ ra là giết người, tức là đồ tể, đao phủ. Chúng ta sinh ra và sống trong một không khí sát nhân. Nhân tiện tôi cũng muốn nhắc ông rằng trong quân đội từ đại úy trở xuống thì chỉ biết gật chứ không biết lắc và như thế là ông tự hào nhầm về cái lon trung úy của mình. Nhưng thôi! Chuyển đề tài đi. Tôi muốn nói một cái gì đấy thuộc về văn học cho nó nhẹ nhàng, đại để như: Những gì đã cháy thì thành tro rồi. Những gì còn lại thì thành thép tôi!(2).
Nghé ọ (mơ mộng): ừ, văn học... Những cái lá rớt xuống, cong lên, như có biết bao con thuyền nhỏ bồng bềnh trôi theo dòng nước mưa mùa hạ. Ta bỗng trong xanh như thời thơ ấu...(2). (Trở lại thực tiễn). Thôi! Tôi đi chuẩn bị dao mổ đây... Hão huyền quá! Chúng ta phải làm việc, ông K-Oa ạ, những công việc có ý nghĩa thực sự cho cuộc đời chúng ta...
K-Oa: Cuộc đời gì? Cuộc đời là cái gì? (bỗng như sực tỉnh)... Ông vừa nói đến cái cuộc đời quái quỷ nào thế?
Nghé ọ (láu lỉnh, bí hiểm): Ngồi xuống đi! Ông bạn vàng! Đừng giật mình! Chỉ là một chút muối thôi cho mặn cái cuộc đời vô thường nhạt nhẽo ấy mà.
 

Lại vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu như vô tình. Màn hạ.