Hồi thứ ba
Cảnh trí vẫn giống như hồi thứ hai. Nghé ọ đã đi chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ. Chỉ
còn K-Oa ngồi lại.
K-Oa (xem đồng hồ): Sốt ruột quá! Thời gian trôi đi đáng sợ thật. Cái tay Nghé ọ
này, lúc nãy hắn nói quái gì về cuộc đời vô thường nhỉ? Sao lại có muối với sự
nhạt nhẽo ở đây? Hay là bởi trước kia hắn đi buôn muối? Muối ngấm vào hắn, chỗ
nào cũng mặn (đứng dậy đi đi lại lại). Cuộc đời... Những gì đã có thì đều ngu
rồi. Những gì sẽ có cũng là ngu thôi. Mình còn phản tỉnh, chứ cái tay Nghé ọ ấy,
chẳng hề thấy hắn phản tỉnh cái gì...
Tiếng của Nghé ọ (từ trong vọng ra): Thế thì ông nhầm! Phản tỉnh là đặc tính thứ
nhất của lương tâm đấy, ông trẻ ạ. Thế ông định bảo tôi không có lương tâm hay
sao?
K-Oa (giật mình): Quái! Hắn ở đâu mà nghe thấy tiếng mình? (trở lại bình
thường). Ồ, cái ấy thì còn phải đợi sau ca mổ tay nhà văn mới biết chắc được.
Tôi chỉ muốn nói đến sự phản tỉnh như một yếu tố điềm đạm của tính cách mà thôi.
Lạy giời! Ông cũng không phải là người điềm đạm cho lắm!
Tiếng của Nghé ọ: Ông K-Oa ạ, chúng ta đều là bác sĩ, lại là văn nhân...
Văn
nhân tương khinh, trọng là trọng, khinh là khinh... Đừng có coi thường tay lính
cựu này. Cùng kíp với nhau, cái gì cũng phải ngang bằng sổ thẳng.
K-Oa: Không... Không! Không ai dám coi thường ông. Tôi với ông ở xa nhau. Ông ở
đẩu ở đâu mà vẫn nghe thấy tiếng tôi nói... Ông cũng là một con ma xó chứ còn gì
nữa. Chơi với ma, hỡi ơi, dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Thực ra, chính mình
cũng là một người có thiên bẩm, là một người có thiên nhãn nhưng không hiểu tại
sao lại đến cơ sự nông nỗi này? Hay là vì miếng cơm manh áo?
Một người đàn ông đi vào, để ria mép, tay bưng một chậu hoa nhỏ, vừa đi vừa thổi
phù phù. Đấy là ông Trần Mạnh Khảo. Đi cùng ông Trần là Nguyễn Hàng Lươn, cũng
để ria mép. Hai ông này đều có nét hao hao giống nhau, hệt như hai thám tử trong
phim hoạt hình Tin tin. Ông Nguyễn Hàng Lươn đẩy một xe cút kít rơm. Cả hai ăn
mặc như những thanh niên tình nguyện.
Trần Mạnh Khảo: Nở đi! Nở đi! Hoa vừa đi vừa nở... Cứ thế mà khoe sắc khoe màu.
Chèng đéc ơi! Nở đi! Chúa ơi! Nở đi! Lương tâm ơi!
Nguyễn Hàng Lươn: Chở rơm vào thành phố! Cứ thế mà đốt cho khói um lên... Ngọc
Hoàng mới hỏi: thằng nào đốt rơm? Thưa rằng giá áo túi cơm. Ví dầu thơm thối,
thối thơm có thừa... có thừa hay là cũng đành... chữ nào nên thơ hơn nhỉ? Nên
thôi hay nên xao đây(3)?
K-Oa: Nào nào... Hai ông A la hán. Đi đâu thế này? Đây là bệnh viện tình thương
cơ mà?
Trần Mạnh Khảo: Còn đi đâu nữa? Đi mổ! Tôi được đặt hàng hẳn hoi. Mổ xẻ. Tan
xác! Vừa đi vừa nở. Chúa ơi! Vừa đi vừa mổ. Chèng đéc ơi!
Nguyễn Hàng Lươn: Còn tôi, tôi đi phụ mổ cho ông Trần đây... Bọn trẻ nghe tôi.
Cứ rơm mà đốt... Khói um lên... Như thui chó!
K-Oa: Thế hai ông cũng là bác sĩ, là người đi mổ xẻ à?
Trần Mạnh Khảo: Chưa hẳn đã là bác sĩ... Nhì nhằng... Nghiệp dư thôi. Nhưng lòng
ham hố thì tôi có thừa... Tôi có nhiệt tình. Tôi yêu nước... Có người bảo tôi
thực sự vô học. Đúng là tôi thực sự vô học. Tôi là người bẩm sinh phản trắc.
Nhưng, tôi yêu nước, yêu Tổ quốc thì cần quái gì có học. Tôi yêu văn học! Chúa
ơi! Vừa đi vừa nở... Vừa đi vừa học vậy... Chèng đéc ơi!
Lại thêm mấy người lố nhố khác kéo ra: một cô gái (như thể phóng viên báo) dìu
một ông lão già yếu vào. Có vài người nữa, ai cũng vận com-lê nghiêm chỉnh. Đám
đông hơi lộn xộn.
Một ông: Nào! Nào! Xê ra cho tôi đi.
K-Oa: Ông là ai?
Ông kia: Còn là ai nữa. Tôi là Lê Văn Ngọng. Tôi đi phụ mổ, giống như trong dàn
đồng ca.
Một ông khác: Còn tôi, tôi là Võ Khắc Điên, tôi cũng phụ mổ!
K-Oa (hỏi cô phóng viên): Thế còn cô?
Phóng viên: Em là Hài Nhi, em đi theo cụ Hoàng hữu danh, giống như diễn viên
tung hứng... Em đi theo cả cụ Chu đặc công, cụ Vương trưởng giả nữa. Đâu có tiền
là em cứ đi...
K-Oa: Phiền quá! (với cụ Hoàng) Này cụ, già cả đau yếu thế này sao không biết
nằm khoèo, không biết tránh mặt, không biết trốn đi, ra đây làm gì?
Cụ Hoàng (Cười): Ham vui! Có biết gì đâu... Cứ ham đánh nhau từ bé. ở đâu hễ có
đánh nhau là đến. Ham vui! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi. (Lại cười như cụ cố Hồng
trong truyện của Vũ Trọng Phụng). Ham vui cho đến hết đời... Hồn nhiên. Giống
ông Tú Vũ... Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
K-Oa: Tô Vũ chăn dê à?
Cụ Hoàng: Không... Tú Vũ... Đại để như thế!
K-Oa (thở dài): Chết thật! Ô hợp quá... Quân hồi vô phèng...
Trần Mạnh Khảo: Phèng phèng cái gì? Cứ là tự sát! Cứ là chết tươi!
Lê Văn Ngọng: Ô hợp cái gì? Cứ là thục mạng... Cứ là cơm toi!
Nghé ọ ra, ngạc nhiên vì đám đông nhưng vốn lịch sự, một phần vì trải đời, một
phần vì bản tính cũng phần nào lương thiện nên Nghé ọ không tỏ ra khó chịu, thậm
chí còn tỏ ra vui vẻ nữa.
Nghé ọ: Sao lại đông vui thế này? Chào các cụ, chào các chiến... hữu, giai nhân,
tài tử... Chào cả cộng đồng... Tất cả đều đến xem mổ đấy à?
Trần Mạnh Khảo: Không phải xem, mà đích thân chúng tôi sẽ mổ...
Nghé ọ (ngạc nhiên nói với K-Oa): Tưởng chỉ có tôi với ông mới biết mổ mà thôi.
Họ đều biết mổ cả à?
K-Oa: Nghiệp dư! Thế mới chết! Mổ nhà văn đâu phải dễ dàng, có phải là ai cũng
mổ được đâu!
Trần Mạnh Khảo: Có gì mà khó? Vừa đi vừa mổ... Có gì mà không mổ được... Tôi đã
được đặt hàng hẳn hoi. Chính tôi sẽ mổ đầu tiên ca này.
Cụ Hoàng (vỗ tay): Sân chơi là của chung! Văn hóa quần chúng! Văn học quần
chúng! Cứ mổ đi! Vui lắm!
Mọi người vỗ tay ồn ào.
K-Oa (lắc đầu nói với Nghé ọ): Chịu! Thế này thì khó mà mổ cho nó ra trò. Đừng
có tưởng dễ. Tôi thấy đâm ra khó xử...
Nghé ọ: Thôi! Tôi với ông sẽ mổ riêng ra, ta sẽ mổ sau... Ta nhường sân chơi cho
họ... Chính tôi, tôi cũng thấy gờn gợn khó chịu khi hai chúng ta phải ngồi cùng
chiếu với những phường hoặc những ổ nhóm này...
K-Oa: Victor Hugo nói rồi: Cùng lý tưởng nhưng khác hạng!. Giời ạ, chúng ta đi
đi, ta nhường sân chơi cho họ... Đời còn dài. Những gì đã thối thì thành phân
rồi. Những gì sắp thối cũng thành phân thôi.... Ăn cỗ đi trước, lội nước đi
sau... Mà đây đâu phải là đi ăn cỗ...
Lê Văn Ngọng: Ăn gì? Ăn gì? Cho tôi ăn với!
K-Oa: Không có gì đâu, ông anh ạ! Chỉ có không khí mà thôi! Hão cả! Đừng có vội
vàng.
K-Oa đi vào. Nghé ọ đi theo. Trong đám người lổn nhổn đứng trên sân khấu, người
ta thấy rõ chỉ có K-Oa là người nổi bật, có cá tính nhất, thực sự là người khác
thường. Chính tôi (tác giả của vở kịch này) cũng không hiểu tại sao K-Oa lại có
mặt ở trên sân khấu như vậy. Có thể, đây chính là nghiệp chướng của số phận anh
ta. Cả ông Vương trưởng giả nữa, ông ta ở đây làm gì?
Vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi tạt ngang qua như vô tình. Màn hạ.