Hồi thứ năm



Vẫn bối cảnh cũ. Không khí có vẻ bất thường. Sân khấu trống. Giám đốc bệnh viện đi ra, vẻ bực tức. Có vài người đi theo: ông Trần Mạnh Khảo, Lê Văn Ngọng... Lại còn cả ông Vương trưởng giả nữa.


Giám đốc: Trình độ kém quá! Mổ xẻ bậy quá... Tất cả những người theo dõi ca mổ đều bảo chúng ta tiểu khí, tháu cáy, vu khống, thậm chí còn phản dân chủ, vô học. Ông Trần lại còn đi mổ cả vào chân tay mình. Thật là nhục. Không ra cái thể thống gì.
Lê Văn Ngọng: Chúng tôi đã cố hết sức. Mệt đứt hơi!
Giám đốc: Thôi ông im đi! Đã ngọng lại còn hay nói. Ông Trần Mạnh Khảo làm gì thì ông làm thế, ông chỉ là một bản photocopy...
Trần Mạnh Khảo: Chúng tôi cũng không ngờ tay nhà văn này mình đồng da sắt. Khi tôi mổ hắn lại cười sằng sặc...
Vương trưởng giả: Vì ông đã mổ không trúng. Ông gãi ghẻ, ông lại bảo người ta gãi ghẻ. Ông lại mang chuyện chửi bới ra, ông nửa kín nửa hở làm ra vẻ như một mật vụ, một thằng chỉ điểm, thế là ông đê tiện. Ông tháu cáy, ông vu khống. Có tay Nguyễn Hoàng tiên sinh gì đó bình luận về ông là xác đáng đấy: đúng ra, ông không có tư cách để cầm dao mổ.
Trần Mạnh Khảo: Nhưng chúng tôi yêu nước, yêu văn học. Làm gì chúng tôi cũng tra từ điển.
Vương trưởng giả: Nhưng không thể nhân danh yêu nước, yêu văn học mà lưu manh với vô học được, ông giời con ạ! Dù cho ông liên tục tra từ điển đi nữa.
Giám đốc: Ông Vương, thế ông có mổ ca này được không?
Vương trưởng giả: Chịu, ca này thì tôi xin chịu. Tay nhà văn này hơi khác thường. Tôi với ông Lại tiên sinh cùng ê-kíp với tôi, chúng tôi chỉ quen mổ xác chết. Hơn nữa, chúng tôi phải xác định tiêu chí khi mổ xẻ: mổ để làm gì, nó có ích gì cho văn học không, cho không khí và môi trường văn học không? Nếu như mổ xẻ nghĩa là để thịt một tác giả, một nhà văn thì thật ra chúng ta chỉ cần mời một chú binh nhì trong đội thi hành án với giá 50 đô-la với một suất bánh mỳ kẹp thịt là xong, một tay bắn tỉa...
Trần Mạnh Khảo: Thì mổ là thịt chứ còn gì nữa! Xưa nay vẫn thế.
Lê Văn Ngọng: Bùm! Ông Võ Khắc Điên bảo là dìm chết. Có tay nhà thơ ở Hải Phòng khuyên nên đốt nhà... Tay nhà thơ này nói là bạn tri kỷ với nhà văn.
Vương trưởng giả: Kể ra đời cũng đểu thật. Chính tôi cũng bị bất ngờ. Lòng người phản phúc, chuyện ấy vẫn thường. Nhưng ở trường hợp tay nhà thơ ở Hải Phòng này thì tệ quá, tri kỷ, tri bỉ. Tôi không làm sao hiểu nổi, họ vẫn thơ phú thù tạc với nhau cơ mà?
Giám đốc: Ông Vương trưởng giả, ông cất cái cao đạo của ông đi, ông đã vào trường văn trận bút, ông phải chịu trận. Thà mình phụ người chứ không để cho người phụ mình. Hãy cất cái thói khiêm tốn vờ vịt của ông đi. Tay nhà thơ ở Hải Phòng cư xử theo đúng với bản chất chỉ quen phụ người của hắn từ xưa tới nay. Nếu ông cao đạo thì xin mời ông đi lên núi ở ẩn. Ông ở Thủ đô này theo đòi công danh làm gì. Đấy là tôi nói toạc móng heo ra thế để cho ông hiểu. Còn đối với tay nhà văn, tôi sẽ cho mổ lại. Nếu cần thì cho nó chết trong đám loạn quân.
Trần Mạnh Khảo: Hay lắm! Chết trong đám loạn quân. Tôi cũng đã mổ với tinh thần như thế, tức là với tinh thần sát nhân. Tôi đã nói rằng tay nhà văn này không ra gì, nó chỉ là một vết lở loét của thời hậu chiến, gãi ngứa. Nó không có tư tưởng, khoái nhất là nó không có tư tưởng.
Vương trưởng giả: Cái này thì tôi sợ ông nhầm. Hắn có một cái gì đấy như sự siêu việt.
Lê Văn Ngọng: Không có tư tưởng, không có đầu gì hết.
Giám đốc: Bệnh không có đầu là bệnh chung. Thực ra, không có đầu không phải là bệnh. Các ông có thấy tôi có đầu đâu nào? Đúng không? ấy thế mà tôi vẫn là sếp của các ông.
Lê Văn Ngọng: Tất cả chúng ta đều không có đầu. Cần quái gì có đầu, chỉ cần có mồm... vì phải có mồm để ăn...
Trần Mạnh Khảo: Nhưng hình như tay nhà văn ấy có đầu... Nó khác với chúng tôi.
Vương trưởng giả: Ông nói ai là chúng tôi? Tôi rất khó chịu nếu ông coi tôi cũng là chúng tôi với ông. Ông không có bản ngã gì mà lúc nào cũng xưng chúng tôi?
Trần Mạnh Khảo: Tôi vẫn hình dung chúng tôi là một cái làng, ông ạ! ở đấy có những ông tiên chỉ, ông chánh tổng, ông lý trưởng, đám trương tuần, thằng mõ, mẹ Đốp, thằng phải gió...
Vương trưởng giả: Như thế tức là một xã hội thu nhỏ mất rồi còn gì.
Giám đốc: Tôi không thích lối ví von như thế, dù thực sự tôi chỉ là một thằng lý trưởng mà thôi. Lối ví von ấy kéo lùi chúng ta về những năm đầu thế kỷ XX, thậm chí còn lùi xa hơn nữa. Chúng ta hãy trở về với thực tế, trở về với chủ nghĩa hiện thực. Như thế tức là các ông Trần Mạnh Khảo, ông Lê Văn Ngọng... đã thực hiện một ca mổ nhìn chung là chẳng ra gì, tay nhà văn vẫn sống nhăn răng, chúng ta còn bị dư luận bôi bác.

Nguyễn Hàng Lươn ra, vẫn đẩy xe cút kít rơm.
Nguyễn Hàng Lươn: Sống là thế nào... Dở sống dở chết. Ca mổ, theo tôi vẫn là thành công.


Trần Mạnh Khảo bắt tay Nguyễn Hàng Lươn.
Trần Mạnh Khảo: Cám ơn ông... Ông gần như là người duy nhất khen ngợi tôi. Trí tuệ của chúng ta đều rất đáng nể...
Vương trưởng giả (giễu cợt): Theo tôi, các ông nên thay chữ trí tuệ bằng chữ nhân cách nhưng mà hình như cả hai ông đều không có những thứ ấy.
Trần Mạnh Khảo: Thì cả trí tuệ, nhân cách cũng được chứ gì. Chúng tôi có tất cả mọi phẩm chất.
Nguyễn Hàng Lươn: Mổ được như ông Trần cũng đã là giỏi. Không có văn học nghệ thuật gì ráo trọi, cứ chụp cho vài cái mũ phản động với không lành mạnh là xong, chuyển nó sang hình sự, chính trị, rồi khủng bố... thế là một ca mổ đẹp.
Lê Văn Ngọng: Đúng thế! Bây giờ nó đang ngắc ngoải.
Nguyễn Hàng Lươn: Để tôi sẽ đốt thêm vài đống rơm. Ta sẽ mổ vài nhát vào tác phẩm nó, bảo là nó sùng ngoại với bắt chước bên ngoài. Ta mổ vào gia đình nó, vào vợ con, vào Ôsin nhà nó, biến gia đình nó thành một địa ngục. Aha! Như thế gọi là thui chó.
Vương trưởng giả: Có vẻ như là một trò ám sát tổng lực.
Nguyễn Hàng Lươn: Sao lại trò ám sát? Đây là một trận đánh, ông bạn ạ, một trận đánh văn học nghệ thuật. Thực sự, cũng chỉ vì do tôi yêu văn học mà thôi nên tôi mới có ý kiến như thế chứ thực tình tôi là người chất phác, cao thượng và tốt bụng.
Giám đốc: Công việc của chúng ta là một công việc bẩn thỉu nhưng cao thượng.
Trần Mạnh Khảo: Hay quá! Tuyên ngôn hay quá! Đúng là một công việc bẩn thỉu và cao thượng.
Vương trưởng giả: Tôi đã bắt đầu thấy sợ nếu tính chất công việc của chúng ta đúng là như thế.
Giám đốc: Nếu ông sợ thì mời ông lui ra. Tôi sẽ bảo hai ông K-Oa với ông Nghé ọ vào mổ tiếp. Về đẳng cấp họ có vẻ hơn hẳn ông Trần...
Trần Mạnh Khảo: Hơn thế nào được tôi? Tôi là một cái gì đấy? Các ông hiểu chưa? Tôi là một giá trị thế nào đấy.
Vương trưởng giả: Theo ông, ông là cái gì và giá trị của ông là gì? Chẳng lẽ ông là thằng phải gió thật chăng? Ông điên hay là ông tỉnh?
 

Lại mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu. Màn hạ.