Hồi thứ tám



 

Cảnh bệnh viện. Sân khấu trống trải, chỉ có nhà văn vô danh và người đội mũ phớt, đeo kính đen, mặc áo bành tô ngồi đối diện nhau ở nửa sân khấu. Hai viên trương tuần đứng như đứng gác ở nửa sân khấu còn lại.
Nhân vật người đội mũ phớt xuất hiện từ hồi thứ bảy của vở kịch, bí hiểm, ông ta không tham gia vào vở kịch và sự im lặng của ông ta suốt hồi kịch thứ bảy đã gây tò mò kinh khủng cho người xem.
Nhân vật nhà văn và người đội mũ phớt ngồi trên bục cao làm những động tác như đối thoại nhưng không nói năng gì (giống như kịch câm). Bóng của họ hắt lên tấm phông sân khấu đằng sau. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy cuộc đối thoại ấy có khi gay gắt, có khi nhẹ nhàng. Đa số những cuộc nói chuyện đều tuỳ tiện và có vẻ như chẳng ai chịu ai. Có lúc họ còn ném những vật trên bàn vào mặt nhau. Về đại lược, cuộc nói chuyện là hoà bình, thân thiện, đối kháng nhưng trong sự kiềm chế.
Phía trước sân khấu, các vũ nữ và vũ công trình diễn một màn múa khá đẹp mắt, kể sơ lược lại lịch sử văn học Việt Nam.
- Những người nguyên thuỷ ca hát.
- Những bà mẹ kể chuyện cổ tích cho con.
- Các nhà sư đọc thơ tiếp sứ thần nước ngoài.
- Những cuộc thi tuyển chọn trạng nguyên.
- Những giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo và soạn chữ quốc ngữ.
- Những tờ báo đầu tiên.
- Những nhà văn hiện đại Việt Nam đầu tiên, người ta có thể nhận ra vài ba người hao hao giống như Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, thậm chí cả Nguyên Hồng... còn lại thì na ná đều giống nhau cả.
Âm nhạc khá độc đáo và sôi động. ánh sáng trên sân khấu được đặc tả ở nhiều nhân vật rất có cá tính. Rõ ràng đạo diễn vở kịch này cần phải là người rất am hiểu lịch sử văn học Việt Nam và có kiến thức văn hoá sâu rộng. Hồi kịch này diễn ra trong chừng từ 7 đến 10 phút.
Màn hạ.