Hồi thứ chín



 

Bệnh viện tình thương. Trên sân khấu chỉ có hai viên trương tuần đứng gác. Trần Mạnh Khảo đi ra, quần áo xộc xệch vẫn ôm chậu hoa và thổi phù phù. Các vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh và các vũ công đang dọn dẹp trên sân khấu. Họ hạ biển hiệu Bệnh viện tình thương xuống và xếp gọn các bàn ghế lại một góc như để chuẩn bị cho việc diễn một chương trình khác hoặc như để kết thúc vở kịch.


Trần Mạnh Khảo: Ô... Sao bảo ở đây vẫn còn đang mổ xẻ gì cơ mà? Thế là thế nào? Ai cho phép thu dọn đồ đạc thế này? (Ông ta hỏi các vũ nữ và vũ công nhưng họ đều tránh ra, không nói gì. Cuối cùng ông ta hỏi đến hai người trương tuần). Các anh đứng đây mà để cho họ làm loạn thế à?
Trương tuần 1: Thế ông bảo chúng tôi làm gì họ được?
Trần Mạnh Khảo: Thế giám đốc bệnh viện đi đâu? Làm gì?
Trương tuần 2: Chịu! (Cười). Có khi ông ta đi hát karaôkê hay đi đua xe cũng chẳng biết chừng?
Trần Mạnh Khảo: Thế không còn mổ xẻ gì à?
Trương tuần 1: Thôi từ lâu rồi!
Trần Mạnh Khảo: Ai cho thôi?
Trương tuần 2: Chậc! (lắc đầu, nhún vai chỉ lên trời).
Trần Mạnh Khảo: Thế các đồng nghiệp của tôi đâu cả? Họ đi đâu rồi?
Trương tuần 1: Biết thế nào được, ông thì về nhà lấy vợ. Ông thì về nhà bỏ vợ... 50 ông xuống biển, 50 ông lên rừng.
Trần Mạnh Khảo: Thế này thì điên hết cả rồi à? Tôi không thể hiểu ra sao nữa cả. Kết thúc không có hậu à? Chèng đéc ơi! Chúa ơi! (tỏ vẻ đau khổ, vò đầu bứt tai). Kết thúc không có hậu à?
 

Trên sân khấu, các vũ nữ, vũ công đã dọn dẹp xong. Họ đang dàn hàng để chuẩn bị cho một điệu nhảy mới.
Âm nhạc bắt đầu khe khẽ nổi lên. Các vũ nữ, vũ công khởi động chân tay. Một vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh trông khá sếch-xy đến gần Trần Mạnh Khảo, lịch sự đỡ lấy chậu hoa cất đi.

Vũ nữ: Ông anh! Em mời ông anh một điệu nhảy có được hay không?
Trần Mạnh Khảo (cười ngượng ngập rồi cười vui vẻ, thoắt cái đã trở thành một con người khác): Được chứ!
T

rần Mạnh Khảo quăng áo vét-tông khoác ngoài, bên trong là y phục của một nghệ sĩ. Hai tay vỗ vào nhau, ông ta giậm chân nhảy một điệu claket ngắn khá sành điệu rồi chuyển sang các điệu dân vũ như của Nga và của Tây Ban Nha. Ông ta đã trở nên một nghệ sĩ thực thụ. Tất cả các vũ nữ, vũ công nhảy điệu lăm-ba-đa. Trên sân khấu, Trần Mạnh Khảo rõ ràng là một vũ công giỏi nhất trong các vũ công. Đôi lúc ông ta lại còn dùng đầu mình làm trụ, xoay tròn như chiếc com-pa, giơ hai chân lên trời hệt như diễn viên ở trong phim chưởng Hồng Kông, khiến ai cũng phải giật mình, bất ngờ, thích thú.
Vở kịch kết thúc trong sự du dương của âm nhạc và của màn múa đặc sắc khiến cho người xem không còn muốn đứng lên rời chỗ nữa. Màn hạ.


Viết từ ngày 24/4/2004
đến ngày 25/5/2004
Thích Thiện Ngân


Chú thích
(1) Song viết (Có người đọc là song kiết) vốn là hai chữ nôm trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Cuộc tranh luận về mấy chữ này (đọc thế nào, giải nghĩa ra sao) đã diễn ra ở Việt Nam khoảng từ năm 1962 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong một bài viết gần đây nhất in trên tập san Hồn Việt của Trung tâm nghiên cứu quốc học (Tết Giáp Thân 2004), giáo sư Cao Xuân Hạo cho biết song viết có thể hiểu tới 5 nghĩa khác nhau (tư nghiệp, tài sản, rông vát, chơi nhởi, xuôi ngược). Thơ của Nguyễn Trãi có câu: Nghênh ngang dặm liễu một con rìu/ Song viết nào hơn song viết tiều/ Một gác yên hà là của cải/ Vài hàng thông trúc điểm đăm chiêu....


(2) Trích trong bài Ngẫu hứng qua mây gió của Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ trao đổi về tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nhân sự kiện hoa thuỷ tiên (Tạp chí Văn nghệ quân đội số 594 tháng 4/2004).


(3) Thôi xao: Điển tích văn học, nói về sự cầu kỳ trong lao động chữ nghĩa của nhà thơ.