CHƯƠNG 6
Bố ơi là bố

 

 

-     Ôi! Trời hại ta! Trời hại ta!

Khổng tử10

 

 

Tôi về đến nhà khoảng 9 giờ tối. Vừa vào đến cổng thì nghe thấy tiếng bố mẹ tôi đang cãi vã gì đấy về tôi. Tôi chẳng lạ gì những cuộc cãi vã như vậy, đại để bố tôi vận câu tục ngữ “con hư tại mẹ” để chỉ trích việc mẹ tôi nuông chiều tôi. Mẹ tôi vặc lại phê phán cách giáo dục theo phương pháp tự nhiên của bố tôi. Bố tôi có quan điểm giáo dục hơi giống như tay đại tá về hưu hiệu trưởng ở trường phổ thông trung học của tôi ngày nào: “Trẻ con nhìn chung không có trẻ con hư, nguyên tắc giáo dục rốt ráo là tha bổng”. Ở đây, bố tôi chỉ thay từ “tối cao” của tay cựu pháo thủ râu ria kia bằng từ “rốt ráo” mà thôi. Mẹ tôi chì chiết về “sự tự nhiên bản năng” ở con người và ám chỉ gì đó về chuyện trăng hoa lăng nhăng của bố tôi hồi trẻ. Bố tôi là người không phải hoàn hảo và tôi thực sự thông cảm điều đó, tôi chẳng mảy may ngờ vực gì về lòng tận tụy của bố tôi với mẹ và với chúng tôi. Tuy nhiên, mẹ tôi là người ghen tuông kinh khủng. Dây cà ra dây muống, những chuyện như thế là “chuyện thường ngày ở huyện” tôi chẳng lạ gì.

 

Tôi vào nhà và cảm thấy ngay lần này câu chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi vừa mới cất xe máy thì mẹ tôi đã té tát mắng tôi ngay. Mẹ tôi rất cương trực và thẳng tính, không bao giờ giữ kín được một chuyện gì. Chỉ qua dăm ba câu mắng của mẹ tôi là tôi đã ý thức được ngay tình cảnh của tôi thảm hại thế nào. Hóa ra khi biết tôi chuồn khỏi trường giữa giờ nghỉ giải lao buổi sáng, con Liên lùn lớp trưởng đã điện thoại báo cho mẹ tôi biết về số buổi nghỉ học của tôi. Thêm một chuyện nữa là tôi đã không đóng tiền học phí, số tiền này khá lớn (khoảng 800 nghìn đồng). Tôi không nhớ tôi đã tiêu nó vào việc gì. Khoản tiền này sinh viên phải trực tiếp đóng cho phòng Tài vụ kế toán ở trường. Tôi cứ tưởng rằng người ta sẽ quên nó đi nhưng tôi đã đánh giá quá thấp nghiệp vụ của mấy bà già ở cái phòng đếm bạc chết tiệt ấy. Lại nữa, khi kiểm tra số tiền cất trong tủ quần áo, mẹ tôi nhận ra bị mất 500 nghìn đồng. Tôi phải nói rằng cái tủ quần áo là một cái tủ thổ tả, hớ hênh không tưởng tượng được. Cái tủ này vốn là cái tủ do tay giáo viên chủ nhiệm lớp 12 mà anh trai tôi từng học đóng. Ông giáo nghèo ở trường phổ thông trung học làm thêm cả nghề thợ mộc. Để gây thiện cảm với ông ta, để tránh cho thằng anh quý tử của tôi khỏi bị khiển trách gì đấy, bố tôi đã hào phóng mua cái tủ ấy với giá hơn mức phải chăng. Tủ với chẳng tiếc, chỉ xô một cái là ngã bổ chửng. Đáng ra bố tôi phải vứt cái tủ ấy vào sọt rác từ lâu và thay bằng một cái tủ khác chắc chắn hơn thì đâu đến nỗi biến tôi thành tên tội phạm? “Không có lửa sao lại có khói”, nhiều khi thói keo kiệt bủn xỉn và thói quen giữ đồ kỷ niệm của con người cũng là nguyên nhân gây ra những sai lầm của đồng loại. Tôi đã lấy 500 nghìn đồng này tiêu vào mục đích cực kỳ lương thiện: tôi mua một cái áo rét 300 nghìn đồng, còn 200 nghìn đồng thì tôi đã đóng góp vào quỹ giúp đỡ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Về việc này, tôi đã được Đoàn trường nêu tên biểu dương hẳn hoi trong tờ nội san ở trường.

 

Tôi không thể giải thích gì về tội lỗi của tôi. Bố tôi mắng té tát và tôi lẳng lặng cam chịu. Tôi cởi quần áo ngoài mắc lên mắc áo. Lần này sự tận tụy của mẹ tôi đã làm hại tôi. Thường thường, hễ tôi thay quần áo ra là mẹ tôi lập tức lấy đi giặt. Lần này cũng vậy, mặc dầu rất giận tôi nhưng do thói quen mẹ tôi cũng vẫn cứ lấy ngay bộ quần áo tôi vừa mới mắc vào mắc áo cho vào chậu giặt. Điều tai hại và khủng khiếp là sờ vào túi quần tôi, mẹ tôi phát hiện ra bao thuốc lá Vinataba mà tôi và thằng Thanh nhạn đang hút dở, ngoài ra trong đó lại còn có một cái xơranh (bơm kim tiêm) bẩn thỉu. Tôi không hiểu tại sao lại có cái xơranh này trong túi. Thằng Thanh nhạn hay một thằng chó đẻ nào đã hại tôi, nó đã lừa lúc tôi sơ ý để đút vào túi quần tôi.

 

Không thể tả nổi sự giận dữ của bố mẹ tôi. Có lẽ việc hút chích ma túy ngoài xã hội đã ám ảnh bố mẹ tôi thái quá. Bố tôi vụt tôi thẳng cánh bằng một cây gậy không biết lấy ở đâu ra. Tôi tránh được hai đòn đầu tiên nhưng đến đòn thứ ba thì không tránh được. Tôi òa khóc vì rất nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả sự ân hận vì những lỗi lầm mà tôi mắc phải. Mẹ tôi xô vào can ngăn bố tôi và đứng chắn đòn cho tôi. Bố tôi không thể làm gì tôi được và trút sự giận dữ lên đầu ba ông Tam đa Phúc Lộc Thọ bằng gốm đứng ở góc nhà.

 

Về bộ Tam đa bằng gốm này thì đấy là cả sự tích đáng kể. Bố tôi rất mê gốm, bản thân ông cũng từng là thợ gốm. Ở làng Cậy tỉnh Hải Dương có một ông lão thợ gốm tên là Đào đã hơn 70 tuổi rất khéo tay. Bố tôi chơi với ông lão và cùng ông lão làm ra một số vật phẩm. Cả hai đã mất cả một tháng trời để làm ra bộ Tam đa này. Khi vào lò thì ông Đào mất. Bố tôi rất thương xót và bỏ tiền ra khá hậu để giúp đỡ gia đình ông lão. Bố tôi còn mang cả bộ Tam đa ra mộ ông lão thắp hương. Bộ Tam đa khá đặc biệt vì kích thước khá lớn và có khuôn mặt thuần Việt chứ không giống như các bộ Tam đa của Tàu. Có thể nói rằng đây là một bộ Tam đa độc nhất vô nhị vì nó mộc mạc và thật kinh khủng. Bố tôi rất quý nó. Ấy thế mà vì giận dữ, bố tôi xô đổ cả ba pho tượng.

 

Tôi biết rằng thế là tôi hết đường! Còn Phúc Lộc Thọ nỗi gì! Tôi không thể biện hộ gì cho những sai lầm của tôi. Bố tôi đuổi tôi khỏi nhà! Bố ơi là bố! Tôi mặc vội bộ quần áo rồi bỏ chạy đi. Mẹ tôi đuổi theo, luôn miệng lắp bắp:

 

-           Mẹ van con... Mẹ van con... Khuê ơi là Khuê... Tại sao con lại bỏ đi như vậy?

 

Tại sao ư? Tại sao thì tôi cũng chẳng hiểu tại sao như vậy? Như người ta nói, sai lầm dẫn tới sai lầm. Giống như trò chơi xếp hình đôminô. Chỉ là một cú hẩy nhẹ của số phận là bắt đầu cho những phiêu lưu... Con người, bạn thấy không, thật điên rồ và vô nghĩa lý chẳng ra quái gì...


© Nguyễn Huy Thiệp