CHƯƠNG 8
Nhà hát Lớn

 

 

Chỉ có gì nghiêm trọng mới đẹp.

A. P. Tchekhov12

 

 

Nếu ví Hà Nội giống như một thiếu phụ trong tranh phấn màu của cố họa sĩ Trần Đông Lương13 thì Nhà hát Lớn chính là cái vòng cổ giả ngọc trai buông duyên dáng trên bờ ngực bà ta. Tôi đã nghe bố tôi nhận xét về tranh của cố họa sĩ Trần Đông Lương. Theo bố tôi, đây là họa sĩ vẽ đàn bà tài nhất ở Hà Nội. Những thiếu phụ trong tranh của ông đều chấp chới giữa một vẻ đức hạnh giả tạo của một phụ nữ đoan chính và tiềm ẩn những khả năng lăng loàn của một con điếm thập thành. Đây là thế hệ đàn bà của những năm 60 trong thế kỷ XX ở Hà Nội. Tôi không biết nhận xét của bố tôi có đúng hay không nhưng theo nhận xét của tôi thì những vẻ đẹp của đám con gái “tự do” (tôi muốn nói đến những nguời phụ nữ phóng túng, và nếu có buông tuồng một chút thì cũng chả sao) bao giờ cũng ăn đứt vẻ đẹp cứng đơ và tê dại bởi nghĩa vụ ở những nguời đàn bà sống trong khuôn khổ. Điều này giống như những con thú sống trong Sở thú công viên và đám động vật hoang dã ở châu Phi vậy.

 

Trên kia tôi ví Nhà hát Lớn Hà Nội là cái vòng giả ngọc trai vì theo tôi biết đây chỉ là phiên bản thu nhỏ của Nhà hát Lớn Paris. Bố tôi đã đến thăm Nhà hát Lớn Paris và ông nói rằng đó là một thánh đường thực sự của nghệ thuật, không phải chỉ là nghệ thuật kiến trúc mà còn là nghệ thuật sống hướng về chân thiện mỹ. Nói gì thì nói, Nhà hát Lớn Hà Nội dù là hàng nhái và là sản phẩm của văn hóa thực dân thì vẫn tuyệt diệu như thường. Tôi đã từng được vào trong Nhà hát Lớn Hà Nội một lần nghe nhạc giao hưởng của Bach và gần như lịm đi mê mẩn cả người. Nếu có phàn nàn thì chỉ phàn nàn rằng chẳng có tiết mục của tác giả người Việt Nam nào công diễn ở đây lại ngửi được, kể cả Văn Cao14 thiên tài nhưng nghiện ngập lẫn Trịnh Công Sơn15 nỉ non bạc nhược, có phần bệnh hoạn.

 

Tôi đứng ở góc phố Tràng Tiền ngắm Nhà hát Lớn. Bóng những con thú đúc bằng gang giang hai cánh in thẫm ở trên nền trời đêm nhạt nhòa. Tôi không biết đấy có phải là những con ngựa Pigadơ không? Rất tiếc chẳng có cuốn sách nào miêu tả kỹ lưỡng Nhà hát Lớn Hà Nội như Viccor Hugo miêu tả Nhà thờ Đức Bà Paris. Bố tôi nói rằng Hà Nội không có những nhà văn có “phong cách Hà Nội” nhưng phong cách Hà Nội là cái khỉ gì thì ông lại tịt. Bọn người lớn (tôi biết tỏng họ) thường giấu diếm mình rất giỏi, bằng tất cả những phương tiện họ có: tiền bạc, quyền phát ngôn và trăm nghìn thứ khác. Bố ơi bố, chỉ sống thôi và con ngờ rằng ngay sự sống cũng vô nghĩa lý chẳng ra quái gì, nếu có ý nghĩa thật sự thì chỉ có cái chết là có ý nghĩa mà thôi.

 

Tôi rất buồn đại tiện và không có chỗ nào đại tiện tốt hơn là dưới những lùm cây xanh cạnh Nhà hát Lớn. Tôi bĩnh một bãi to tướng ngay chỗ bóng chóp nhọn cao nhất của Nhà hát Lớn hắt xuống lùm cây. Mặt đất ở đây đầy những viên đất nhỏ xíu tròn vo do những con giun đất đùn ra. So với thời gian biểu ở nhà thì tôi đi đại tiện sớm hơn một tiếng rưỡi, căn cứ vào sự chính xác của chiếc đồng hồ ở trên nóc nhà Bưu điện thành phố.


© Nguyễn Huy Thiệp