CHƯƠNG 16
Bệnh viện tình thương

 

 

Thày thuốc chữa bệnh nhân và giết bệnh nhân.

Celse30

 

 

Thằng Hải Anh hơn tôi 4 tuổi nhưng nó luôn xưng em với tôi. Thằng này quê ở Thái Bình, mẹ nó làm cán bộ huyện Đoàn hay phụ nữ gì đấy. Nó không có bố. Mẹ nó dan díu với một ông đạo diễn ở đoàn văn công tỉnh rồi đẻ ra nó. Thằng Hải Anh thi vào trường đại học Sân khấu Điện ảnh nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. Nghe nói mẹ nó đã phải “vui vẻ” với hầu hết các thành viên trong Ban giám khảo. Thằng Hải Anh rất thương mẹ nó. Tôi cũng thấy thương. Không thể trách gì mẹ nó về chuyện này được. Thằng Hải Anh rất sợ mẹ nó biết nó dính líu đến ma túy. Nó bảo tôi nó cũng chỉ mới thử vài lần. “Nếu mẹ em biết – nó nói – mẹ em sẽ liều thân, có khi còn tự tử nữa cũng nên. Nếu thế thì em sẽ ân hận lắm”.

 

Thằng Hải Anh luôn miệng kêu đau. Cái ống chân nó sưng to, tím bầm vì tụ máu. Tôi vừa thương vừa ghét nó, nhưng thương nhiều hơn.

 

Bệnh viện X. là một bệnh viện nhỏ ở Hà Nội, nhỏ là so với các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức hay bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô (thời Pháp thuộc người ta gọi đây là nhà thương Đồn Thủy). Bệnh viện X. là bệnh viện của những người dân có hộ khẩu Hà Nội. Bệnh viện này cũng do người Pháp lập ra từ năm 1932, nhà cửa đã cũ rích và xuống cấp. Mấy năm gần đây, xe máy nhiều, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa. Năm 2002, Việt Nam có 27.891 ca tai nạn giao thông, chết 13.174 người, bị thương 30.987 người, trung bình mỗi ngày xảy ra 76 ca tai nạn làm 36 người chết, 85 người bị thương (thông tin trên báo chí). Trùng với thời gian xảy ra chiến tranh ở vùng Vịnh Trung Đông (Mỹ đánh Irắc) người ta tính số người Việt Nam chết vì tai nạn giao thông còn nhiều hơn cả số người chết trong cuộc chiến tranh đó.

 

Phòng cấp cứu ở bệnh viện X. đông nghịt người. Tôi đặt thằng Hải Anh nằm ngay xuống cái nền gạch đá hoa nhớp nháp và bẩn thỉu để chen vào làm thủ tục nhập viện. Chắc thằng Hải Anh mất khá nhiều máu nên mặt nó tái nhợt. May mà nó có mang chứng minh thư đi theo và trong túi áo nó có 400 nghìn, nó nói số tiền này mẹ nó mới gửi cho nó sáng qua. Bọn thằng Quyền Lỳ chưa biết nó có số tiền này, nếu không thì số tiền đó đã bay ra khói.

 

Cô y tá trực ban khá tử tế, cô hỏi thằng Hải Anh có giấy bảo hiểm y tế hay không? Khi biết chúng tôi là sinh viên, cô ta có phần nào tỏ ra thân thiện (đây là lần đầu tiên tôi thấy giá trị của việc hưởng thụ “nền giáo dục cao cấp”). Cô ta bắt tôi đóng 300 nghìn đồng tiền nhập viện và ghi hóa đơn tử tế.

 

Một bác sĩ xem xét vết thương của thằng Hải Anh, ông ta dùng kéo rạch quần nó ra và chẳng nương nhẹ gì, ông ta vặn cổ chân nó đến “rắc” một cái. Thằng Hải Anh kêu như cha chết. Ông bác sĩ bảo tôi đưa nó sang phòng bên bó bột thạch cao rồi chờ xếp lịch mổ chân. Tôi hỏi bao giờ có thể mổ được thì ông ta lạnh lùng bảo tôi:

 

-           Sớm thì cũng phải đến 10 giờ tối. Thằng này còn là bị nhẹ, chỉ bị gãy ống đồng. Còn nhiều ca khác gãy xương đùi, gãy cột sống hay vỡ đầu phải ưu tiên trước.

 

Đúng như ông bác sĩ nói, dọc hành lang ở phòng cấp cứu có tới ba, bốn ca bệnh nhân cấp cứu rất nặng. Có người bị gãy xương đùi, xương lòi cả ra ngoài. Có người vỡ đầu, phải thở bằng ống thở oxy, sùi cả bọt mép. Tôi mượn được một chiếc cáng, nhờ người đặt thằng Hải Anh vào đó để xếp hàng chờ bó bột. Phòng bó bột chỉ có mỗi một cô y tá tên là Hương trông rất đỏm dáng, đi một đôi giày cao gót rất cao. Cô ta trộn thạch cao cùng với những sợi đay được xé nhỏ ra vào một cái chậu nhựa đỏ. Khi làm việc này cô ta cứ rón rén như một tiểu thư con nhà khuê các đang ngoáy cám lợn trông rất sốt ruột. Trộn thạch cao là nghề của thằng anh trai tôi. Thạch cao đông lại rất nhanh nên không thể trộn nhiều được cả một lúc. Tôi đã từng phụ việc cho hắn vài lần và lần nào hắn cũng mắng tôi là “thằng hậu đậu”. Hắn luôn chê bai người khác dù rằng ngay bản thân hắn làm việc thì như chó ỉa. Có lẽ đến ngay cả Michelangelo31 phụ việc cho hắn cũng bị hắn mắng cũng nên.

 

Tôi vào phòng, ngỏ ý muốn phụ việc cho cô y tá. Cô ta nhìn tôi như nhìn người ở hành tinh khác đến rồi chẳng nói chẳng rằng dúi vào tay tôi cái chậu nhựa đỏ đựng thạch cao. Tôi trộn thạch cao rất khéo, không thể chê vào đâu được nên cô ta rất hài lòng. Có tôi công việc nhanh hơn và cô y tá cũng rảnh tay để chăm chú vào việc bó bột cho bệnh nhân. Hầu như bó bột xong cho bệnh nhân nào người nhà của bệnh nhân ấy cũng dúi cho cô ta 50 nghìn đồng. Cô ta chẳng khách khí gì đút ngay vào túi áo blouse.

 

Đến lượt thằng Hải Anh. Tôi nói với cô y tá rằng nó bị gãy chân phải vì ngã xe máy, máu đọng nhiều nên sưng rất to. Cô ta bảo tôi rằng nếu không mổ kịp thời, để lâu quá dễ bị hoại thư. Tôi rất lo lắng. Nẹp chân bó bột cho thằng Hải Anh xong (thằng này luôn miệng kêu rất to đến nỗi cô y tá phải mắng nó, nó mới câm miệng) tôi cũng lấy ra 50 nghìn đồng đưa cho cô để “giống mọi người”. Cô y tá tỏ vẻ hài lòng, sau đó còn dẫn tôi sang phòng chụp X. quang, chỉ cho tôi cách thức làm sao để chụp lấy được phim ngay rồi sau đó cầm phim lên gặp một ông bác sĩ Việt nào đấy mà điều đình việc xếp lịch mổ.

 

Phòng chụp X. quang rất đông nhưng vì có cô y tá Hương vừa rồi giới thiệu nên tôi nhờ người cáng thằng Hải Anh vào phòng chụp ngay mà không phải chờ để làm thủ tục. Nhân viên X. quang là một anh khoảng 30 tuổi, mặt sưng to như bị phù nề có vẻ rất khó tính. Anh ta đang chụp X. quang cho một bà bị ung thư vú. Con mẹ này chẳng ngượng ngùng gì cả, lộn ngay chiếc áo phông đang mặc qua đầu, cởi xu chiêng ra ngay trước mặt chúng tôi rồi cứ xồ xề thỗn thện như thế nằm ngay lên bàn chụp. Anh nhân viên X. quang điều chỉnh máy chụp từ trên cao rồi bấm máy. Một ánh sáng flash xanh lóe lên một cái. Bà kia tụt ngay từ bàn chụp xuống đất, mặc áo rồi cũng lấy ra 50 nghìn đồng đưa cho nhân viên X. quang. Bà ta nói với anh chàng chỉ đáng bằng tuổi con mình ngọt xớt:

 

-           Em cám ơn anh, em cám ơn nhiều...

 

Nói xong bà ta đi giật lùi ra cửa. Tôi suýt bật cười phá lên vì nó rất giống với hình ảnh “đi lên cửa quan” trong truyện của ông Nguyễn Công Hoan là một ông nhà văn có tài hài hước.

 

Nhân viên X. quang hất hàm cho tôi chuyển thằng Hải Anh lên bàn chụp. Chiếc bàn chụp cao tới ngang ngực, chỉ có một mình nên tôi không biết xoay xở ra sao. Anh ta rất bực mình mắng tôi:

 

-           Người nhà mày chết hết rồi sao? Ra ngoài mà nhờ người giúp!

 

Tôi xin lỗi anh ta rồi chạy ra ngoài nhờ người vào giúp. Rất may tôi túm được một con bé đang ngơ ngơ ngác ngác, tay cầm một túi quà, chắc nó mang quà vào thăm bệnh nhân.

 

Tôi giải thích qua loa tình cảnh thê thảm của “hai sinh viên nghèo lỡ gặp vận hạn rủi ro”. Con bé rất tốt bụng, nó hăng hái tận tình đến nỗi anh nhân viên X. quang tưởng nó là người nhà thằng Hải Anh, anh ta còn tán tỉnh nó và bảo: “Cô em muốn chụp X. quang thì nằm lên đây, chụp gì anh cũng chụp”.

 

Tôi không biết phải đưa cho anh nhân viên X. quang bao nhiêu tiền nên xòe ra tất cả số tiền tôi có. Anh ta chọn lấy tờ 100 nghìn và giải thích:

 

-           50 nghìn là tiền phim chụp. Quy định của bệnh viện là như vậy.

 

Chúng tôi cáng thằng Hải Anh ra ngoài. Chỉ 10 phút sau là có phim. Thằng Hải Anh bị gãy rời cả hai ống xương chủ và xương quay, cách đầu gối chừng 8 phân. May phúc cho nó, nếu nó vỡ xương bánh chè trên đầu gối thì nó đi đứt, có thể phải nằm bệnh viện tới hàng tháng trời. Chắc nó bị bộ phận giảm xóc của chiếc xe máy tông vào với một lực ép rất mạnh. Máu nó ri rỉ chảy ra từ vết thương, chỗ ấy lõm sâu hẳn vào như một cái hốc trên thân cây.

 

Tôi nhờ con bé vừa mới quen biết (tôi gọi nó là “Bồ tát cứu mạng” nên nó rất thích) trông hộ tôi thằng Hải Anh để tôi đi điều đình việc mổ chân với bác sĩ Việt. Con bé đồng ý ngay và giục tôi đi làm việc đó nhanh lên.

 

Tôi cầm tấm phim chụp X. quang và những giấy tờ nhập viện đi tìm bác sĩ trực ban. Bác sĩ Việt là một ông già hiền lành nhưng cử chỉ chậm chạp và mệt mỏi. Cùng trực với ông có bác sĩ Sơn là một thanh niên chừng 30 tuổi đầu trọc lốc, râu ria lởm chởm, gày gò, trông giống như một tay thợ hàn xì trên phố Hàng Đồng hơn là một ông thày thuốc. Anh ta hút thuốc lá liên tục nên phòng trực ban nồng nặc mùi thuốc lá.

 

Tôi đưa giấy tờ, hồ sơ bệnh án và tấm phim chụp X. quang cho bác sĩ Việt. Bác sĩ Sơn giật phắt tấm phim chụp giơ lên ánh đèn rồi nói:

 

-           Bình thường! Mổ kín, đóng đinh!

 

Nói xong anh ta đi ra liền để tôi ngồi lại, hoang mang không hiểu tí gì.

 

Bác sĩ Việt gây cho tôi một cảm giác khá yên tâm, ông ta an ủi tôi. Tôi nài nỉ ông ta mổ cho thằng Hải Anh, tôi còn viện ra tên tuổi của bác sĩ Đường đồng nghiệp của ông ta, người mà bố tôi quen biết để ông ta có phần nào vì nể hơn chăng. Thâm tâm, tôi rất sợ thằng Hải Anh rơi vào tay “gã hàn xì” kia. Bác sĩ Sơn chẳng gây cho tôi một sự tin tưởng nào cả. Chắc chắn anh ta chỉ là một bác sĩ mới ra trường còn đang tập sự.

 

Bác sĩ Việt giương mục kỉnh nhìn tôi vẻ không bằng lòng:

 

-           Thứ nhất, hồ sơ của cậu thiếu giấy bảo hiểm y tế, cậu phải về nhà lấy nó lên đây. Dù có giấy bảo hiểm y tế, cậu cũng phải đóng 200 nghìn đồng là tiền hao mòn dụng cụ y tế cho bệnh viện. Thứ hai, mặc dầu đây là một bệnh viện tình thương, nhà nước phải bù chi phí nhưng mỗi ca mổ chỉ được bồi dưỡng rất ít, xin lỗi cậu, không bằng tiền đi thuê mổ một con lợn ghẻ ở lò sát sinh. Vì vậy, mỗi ca mổ chúng tôi vẫn lấy thêm tiền bồi dưỡng là 500 nghìn đồng, cũng có thể tùy tâm người nhà bệnh nhân, nếu hơn thì càng tốt. Chúng tôi không lấy tiền, có thể còn gây tâm lý hoang mang không tin tưởng của người nhà bệnh nhân đối với chúng tôi. Thực tế một ca mổ liên quan đến tính mạng con người, căng thẳng vất vả thế nào thì ai cũng đã biết rồi. Thứ ba, tôi rất cám ơn vì cậu đã tin tưởng khả năng chuyên môn của tôi nên cậu cứ nài nỉ tôi mổ cho anh bạn cậu. Tôi xin thú thực với cậu rằng tôi già rồi, mắt kém tay run, chỉ ba tháng nữa là tôi nghỉ hưu. Bác sĩ Sơn, mặc dầu mới chỉ ra trường có hai năm nay nhưng cậu ấy đã cầm dao mổ trực tiếp tới 400 ca, gấp 8 lần số ca mổ mà các bác sĩ thuộc thế hệ tôi được dự trong cuộc đời gian truân khốn khổ của mình. Cậu ấy hay tự ái, nếu biết cậu cứ khăng khăng mời tôi mổ là tính mạng của anh bạn cậu đi đứt. Thứ tư, xin cậu đừng nhắc đến cái tên bác sĩ Đường chó đẻ ấy trước mặt tôi. Có lẽ bố cậu cũng là người chẳng ra gì nên mới đi lại bạn bè với cái tên khốn nạn ấy!

 

Tôi toát đầm đìa mồ hôi sau khi nghe bài diễn văn dài của ông bác sĩ thật thà ở cái bệnh viện tình thương bao la này. Tôi lục túi, lấy 200 nghìn đồng đưa cho ông để đóng tiền hao mòn dụng cụ y tế nhưng ông không nhận, ông bảo tôi phải nộp nó cho phòng tài vụ. Tôi cám ơn ông, hứa sẽ trở lại với tờ giấy bảo hiểm y tế và số tiền bồi dưỡng cho các nhân viên ca mổ.

 

Bác sĩ Việt bảo tôi:

 

-           Sẽ mổ vào lúc 10 giờ 30. Không được cho bệnh nhân ăn uống gì hết. Bây giờ cậu đi tìm cô Lan ở phòng số sáu bảo cô ấy xếp giường cho.

 

Tôi chào bác sĩ Việt rồi đi giật lùi ra cửa, suýt ngã bổ chửng vì vấp phải cái bậc cửa quá cao.


© Nguyễn Huy Thiệp