CHƯƠNG 20
Cave 2

 

Rằng xưa ký ức đàn bà

Tên là thiếu nữ, tuổi là dấn thân...

Bùi Giáng

Cầm lòng bán cái vàng đi

Để mua những thứ nhiều khi không vàng

Đồng Đức Bốn

 

 

Tôi ngủ một mạch có lẽ đến hơn cả một ngày trời. Khi mở mắt ra nhìn qua cửa sổ thấy trời sáng bạch. Nằm bên cạnh tôi có một con bé cave khác, không phải con bé hôm qua. Con bé này khá xinh, tóc rất dài, có lẽ phải hơn tôi đến ba, bốn tuổi. Thấy tôi thức dậy, con bé mỉm cười:

 

-           Khiếp! Anh ngủ gì mà say như chết! Ngủ tới gần hai ngày trời có khiếp hay không? Có bao nhiêu thứ trên người, người ta lấy sạch còn gì?

 

Tôi cười ngượng ngập, làm quen với con bé. Nó nói tên Hương, chắc cũng lại là một cái tên bịa ra để tiếp khách. Tôi vào toilet, tắm táp một cái để cho tỉnh táo. Tắm xong, tôi thấy đói ghê gớm nên mới hỏi con bé Hương xem có gì ăn không? Nó hỏi tôi muốn ăn gì. Tôi bảo ăn gì cũng được. Nó bèn rút điện thoại di động trong túi áo ra gọi đến một nhà hàng gần đó bảo họ mang cơm đến cho chúng tôi. Nó nói với tôi:

 

-           Anh có vẻ đói. Chắc vừa mới đi đánh quả ở đâu về đây xả láng phải không?

 

Tôi gật đầu, ra vẻ bụi đời từng trải ghê lắm. Tôi đưa tay vuốt má nó nhưng nó hất ra bảo tôi:

 

-           Đừng có làm thế! Đụng đến người em là tốn tiền đấy!

 

Tôi bảo:

 

-           Tốn thì tốn! Đây cũng chẳng sợ!

 

Con bé cười khanh khách, tiếng cười giòn tan và khá vô tư. Nó thò tay vào túi quần, túi áo tôi lục lọi rồi bảo:

 

-           Để xem nào! Thử xem có bao nhiêu tiền mà lại huênh hoang đến thế?

 

Nó lôi tất cả các thứ trong túi quần, túi áo tôi bày ra giường. Tài sản của tôi thật thảm hại: hai cái giấy cắm xe ở tiệm cầm đồ, một thẻ sinh viên và hơn trăm nghìn đồng bọ.

 

Con bé cười ngất bảo tôi:

 

-           Để em nói cho mà nghe! Anh là một công tử bột con cái nhà lành, đang học đại học thì bị bạn bè rủ rê đi bụi. Anh mang xe máy, xe đạp của nhà đi cắm ở tiệm cầm đồ. Tiêu hết sạch tiền, sợ bố mẹ cho ăn đòn nên mới đâm đầu vào đây than thở!

 

Tôi đỏ mặt tía tai vì thấy con bé cave lọc lõi nói đúng hoàn cảnh của mình. Nó bảo:

 

-           Anh thấy em chiếu tướng có đúng hay không? Chứ cái thớ anh, mới nhìn đã biết, mặt búng ra sữa, giang hồ bụi bặm cái gì!

 

Người ta mang cơm đến cho chúng tôi. Con bé cave này chắc sành ăn, nó gọi toàn những món mà tôi thích: thịt gà luộc, khoai tây rán, canh rau cải và một đĩa dưa muối vàng ươm. Còn có cả hai lon bia Tiger ướp lạnh.

 

Con bé cave ăn có nửa bát cơm rồi chỉ ngồi khoanh tay uống bia ngắm tôi ăn cơm. Tôi chén sạch mọi thứ không sót tí gì. Tôi bật nắp lon bia định uống thì con bé giằng lấy bảo tôi:

 

-           Không biết uống bia thì đừng có uống! Người ta uống bia trước lúc ăn cơm chứ ai lại uống bây giờ?

 

Tôi cười ngượng ngập. Con bé uống bia tài thật, nó uống cả hai lon bia mà cứ như không.

 

Chúng tôi trò chuyện với nhau. Con bé cave này khá hiểu đời. Nó bảo nó có một thằng em trai giống hệt như tôi làm trên mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Thằng này bị tai nạn sập hầm, mới chết cách đây bảy tháng. Con bé nói với tôi rằng kiếm tiền ở đời rất khó, ở ta nếu kiếm được hàng chục triệu nghĩa là ở đấy ắt có nhục nhã, có mồ hôi nước mắt; còn nếu kiếm được hàng trăm triệu nhất định ở đấy ắt có dính đến máu người. Nó khuyên tôi nên gửi hai tờ giấy cắm xe ở tiệm cầm đồ về nhà, không nên để cho bọn cầm đồ táng tận lương tâm được ngồi không hưởng số tiền ấy, số tiền mà có lẽ bố mẹ tôi đã phải vất vả ghê lắm mới kiếm ra được. Nó kể cho tôi nghe hoàn cảnh gia đình của nó.

 

Nó kể:

 

-           Em tên là Chi, còn Hương chỉ là cái tên má mì đặt cho. Nhà em ở trên Phổ Yên, Thái Nguyên. Đấy là một xóm ven đường rất mực thanh bình. Bố em là cán bộ làm ở Nhà máy cơ khí sông Công. Mẹ em làm ruộng. Nhà em có bốn anh em ba trai một gái. Em là con gái rất được nuông chiều. Anh không tin ư, em học hết lớp 12 rồi thi vào trường đại học Luật, chỉ thiếu có mỗi nửa điểm là đỗ. Điểm chuẩn là 23,5 thì em chỉ thiếu có 0,5 điểm. Khi nền kinh tế thị trường mở ra người ta đua nhau làm giàu. Ở Thái Nguyên có mỏ vàng Trại Cau. Dân tứ xứ kéo nhau đến đấy đào vàng. Thứ vàng đãi được còn dính tạp chất gọi là vàng cốm, có người may mắn tích được hàng cân. Hai anh trai em đều có vợ con rồi cũng bỏ nhà lên đấy đào vàng, cả hai đều nghiện ma túy. Ông anh cả em dính HIV bây giờ chỉ nằm chờ chết. Cái xóm ven đường quê em ngày xưa thanh bình là thế nhưng rồi cũng chẳng ra sao. Người ta tranh nhau chen ra mặt đường mở quán. Các quán karaoke, bia ôm mọc lên như nấm. Trong xóm nhà em có ông Bỉnh sứt, người ta gọi thế bởi ông này bị sứt môi khi đi cày bị trâu húc phải. Ông này làm cán bộ ở Sở lương thực Thái Nguyên, cả đời tằn tiện liêm khiết. Nhà đông con, đứa nào trông cũng nhếch nhác. Ông Bỉnh sứt tính tình hà tiện, cơm ăn cả đời chỉ có muối vừng, cá khô. Vợ đi cấy, bắt được mớ tôm mớ cá cũng bắt mang ra chợ bán rồi mang về nộp tiền cho ông ấy. Không thấy ông Bỉnh sứt mua sắm thứ gì, mọi người trong xóm đoán ông này chắc có vợ hai ở đâu nên mới mang tiền của trong nhà chu cấp cho nó. Khi ông ấy chết, mở tủ mới thấy ông ấy tích cóp tiền lại. Từng đống tiền lẻ được gói ghém cẩn thận bọc trong lá chuối khô, đếm được cả thảy có 56 triệu đồng. Anh tính ở nhà quê thì số tiền ấy lớn biết chừng nào! Người ta cười, bảo ném xuống quan tài cho ông ấy 28 triệu để ông ấy lấy vợ hai, tậu nhà tậu xe ở dưới âm phủ, còn 28 triệu thì chia cho vợ, cho con. Đời người thật là vô nghĩa thế đấy! Con ông Bỉnh sứt tên là Giang hổ, là thương binh cụt chân hạng 5/8 tính tình rất hung bạo. Anh ta là người lập ra quán karaoke có gái tiếp khách đầu tiên ở xóm. Công an đến kiểm tra, anh ta vác dao ra chém nên ai cũng sợ. Cái xóm ven đường thanh bình ngày nào bây giờ thành một tụ điểm ăn chơi khét tiếng. Có nhà cụ ông trong tổ phụ lão, trên tường treo bằng “Tổ quốc ghi công”, cháu quàng khăn đỏ ngồi học ở góc học tập nhưng trong buồng thì chia ra từng ngăn để cho trai gái dẫn nhau vào đấy hành lạc. Mỗi khi có đoàn xe taxi ở dưới Hà Nội đến đỗ ven đường, cả xóm gọi nhau ơi ới để đi “điều động nhân viên tiếp khách”. Các cô gái trong xóm trút bỏ bộ quần áo lao động, rửa ráy qua loa rồi thắng bộ áo hai dây liền váy đung đưa đi ra tiếp khách. Em sống trong không khí đó cũng thành như vậy lúc nào không biết. Đầu tiên cũng sợ nhưng rồi dạn dĩ đàn ông thấy không sợ nữa, cũng thấy hay hay. Đàn ông khi thắng bộ vào thì đều giả dối loanh quanh, thô lỗ bỉ ổi có khi không ra giống người, nhưng khi cởi truồng ra thì họ trở nên tử tế yếu đuối vô cùng. Có lẽ cái câu của Sêchxpia36 (anh đọc Sêchxpia chưa? em đọc rồi đấy!): “Đàn bà đẹp nhất là khi ở trên giường ngủ và trên giường liệm” phải đổi lại là của đàn ông mới đúng. Trong xóm em, có người chỉ làm cave mà xây được nhà ba tầng như chị Chút, chị Thắm. Đàn bà chỉ có một thì, hoa thơm bướm lượn giỏi lắm được khoảng mười năm nếu biết giữ gìn, còn nếu gặp bọn phàm phu tục tử dày vò thì chỉ sáu năm là vứt. Em quyết giành dụm được một món tiền kha khá rồi kiếm tấm chồng về quê mở tiệm cắt tóc gội đầu, nuôi dạy con cái học hành nên người là thỏa chí rồi.

 

Tôi hỏi con bé cave bây giờ đã kiếm được bao nhiêu tiền. Nó hãnh diện:

 

-           Anh có tin không? Được 200 triệu!

 

Tôi hỏi mỗi lần tiếp khách nó được bao nhiêu? Nó cười:

 

-           Cũng tùy... Bình dân thì chỉ 5 chục nghìn đồng. Thường là 100 nếu phải lên giường. Gặp tay dại gái hào phóng có khi tiền triệu. Có lần có người cho em tới 6 triệu đồng. Thường bọn già tóc muối tiêu tử tế hơn là bọn trẻ nhưng bọn này đa phần đều “yếu sinh lý” nên phải chiều chuộng rất là khổ sở.

 

Tôi làm thử một con toán: thôi thì cứ bình quân mỗi lần con bé cave này “tiếp khách” được 200 nghìn đồng thì với số tiền 200 triệu đồng mà nó kiếm được, nó đã phải “tiếp khách” tới 100.000 lượt người! Tôi toát mồ hôi vì sợ! Hèn nào con bé ranh con này lõi đời đến thế!

 

I don’t know! I don’t know!” Tôi không biết! Tôi không biết! Tôi không biết cuộc đời của nó có ý nghĩa gì hơn cuộc đời của ông Bỉnh sứt hay không?

 

Ồ, nhưng chắc gì cuộc đời của bố tôi, của bác Trạch, của con Huyền mờ, của con Dung cận... và ngay cuộc đời tôi nữa đã có ý nghĩa gì hơn cuộc đời của nó - của cô gái nông thôn tên là Đỗ Thị Chi ở cái xóm quê ven đường trên huyện Phổ Yên, Thái Nguyên kia?

 


© Nguyễn Huy Thiệp