CHƯƠNG 22
Tàu chợ

 

 

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Tục ngữ

 

 

Năm giờ sáng hôm sau, tôi đeo ba lô và xách một cái túi xách du lịch lặc lè lên tàu ở ga Hà Nội. Anh mặt sẹo cho một tay xe ôm thân tín chở tôi đến tận cửa ga. Vé đã được mua sẵn từ chiều hôm trước. Tôi lên toa tàu bình dân, loại toa ghế gỗ không có giường nằm vẫn khá phổ biến từ thời bao cấp ngày xưa.

 

Tàu Hà Nội - Lạng Sơn mỗi ngày vẫn có bốn chuyến cả xuôi lẫn ngược. Những dịp lễ Tết, ngành đường sắt có thể tăng số lượng chạy tàu lên đến gấp đôi. Tuyến đường sắt này được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX từ thuở cụ Hoàng Hoa Thám38 còn sống. Về cơ bản, cho đến nay tuyến đường sắt này cũng không có gì thay đổi nhiều so với thời thuộc Pháp. Mặc dầu con đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn mới được hoàn thành mấy năm gần đây nhưng tuyến đường sắt thì vẫn men theo con đường bộ cũ, đi qua rất nhiều những thị trấn dân cư, làng mạc và len lỏi trong những dãy núi đá vôi hiểm trở.

 

Khi biên giới Việt - Trung mở cửa, hàng buôn lậu Trung Quốc tràn qua cửa khẩu biên giới tựa như thác lũ. Từ cái tăm tre, chăn màn, bát đũa cho đến các máy móc cơ khí phục vụ nông nghiệp, đủ mọi loại vật phẩm tiêu dùng, tất cả đều có nhãn hiệu Made in China. Hàng hoá Trung Quốc nhiều và rẻ, nó gần như bóp chết các ngành công nông thương nghiệp Việt Nam. Tất cả các chợ búa từ nông thôn ra thành phố, từ miền núi đến hải đảo xa xôi đâu đâu cũng thấy toàn hàng Trung Quốc.

 

Thị xã Lạng Sơn mới được nâng cấp lên thành phố trong vài tháng nay. Mười lăm năm trước đây, thị xã này rất yên tĩnh với những nếp nhà một tầng và những khu vườn xanh mát bóng cây. Những đường phố nhỏ bé chỉ đi dăm bước chân là đã hết đường, lác đác chỉ có vài người đi xe đạp hoặc đi bộ qua lại. Bóng áo chàm của các bà, các cô người Tày thấp thoáng sau hàng dậu thưa có một cái gì đó rất đỗi nên thơ. Đâu đâu cũng thấy người ta phơi hoa hồi trên những cái mẹt kê cao. Những trưa hè nóng nực, mùi hoa hồi tỏa ra làm cho cả thị xã như mê như man vì say cái vị hương thơm đặc biệt nồng nàn quyến rũ đó. Ngay từ thơ ấu, những câu ca dao qua lời ru của những bà mẹ đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim thế hệ người Việt Nam:

 

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò”

 

Đứng ở cửa khẩu Mục Nam Quan, người Việt Nam nào cũng thấy xúc động khi nhớ lại lịch sử bang giao hai nước Việt - Trung. Những năm gần đây, cái thị xã bé nhỏ và kiên cường ở biên giới ấy đã mất đi vẻ yên tĩnh thơ mộng ngày xưa. Hàng dãy nhà cao tầng cái cao cái thấp mọc lên trông cũng giống hệt như một khu phố nào đấy ở Hà Nội, Hải Phòng hay Nam Định... Lạng Sơn mất đi phong cách đáng yêu của nó, giống như cô gái miền núi khép nép lúc nào cũng thẹn thùng, ý tứ nay bỗng nhiên biến hoá thành một bà lái buôn hàng chuyến to béo, sắc sảo, lúc nào cũng kè kè bọc tiền bên mình, sẵn sàng thoả thuận năm ăn, năm thua với bất cứ một thương gia nào.

 

Tôi ngồi ở giữa toa tàu gần với một nhóm các bà, các cô trong hội Phật giáo ở phường Đồng Quan. Họ kéo nhau đi lễ bái gì đấy ở mấy ngôi chùa trên Lạng Sơn, người nào cũng áo phin nõn bên trong, áo dài bên ngoài, vòng vàng, kiềng vàng xúng xính. Đứng đầu nhóm này là mấy người đàn ông mặc áo đỏ chắc là thủ từ ở các chùa và một nhà sư còn trẻ, trông hao hao giống hoà thượng Thích Thanh Mừng ở chùa Kẻ.

 

Thích Thanh Mừng, tên thật là Nguyễn Văn Mừng quê ở Hà Nam đã từng là sinh viên khoa Văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này, Mừng giác ngộ Phật pháp đi tu, tốt nghiệp đại học Phật giáo loại ưu. Bố tôi có lần cho tôi đến ăn cỗ chay với ông ở chùa Kẻ, hôm ấy bố tôi có mời một cô nghiên cứu sinh người Nhật Bản tên là Naoami Yashuko đi cùng. Nhà chùa mời chúng tôi vào mâm, hoà thượng Thích Thanh Mừng cùng ngồi ăn với chúng tôi. Mâm cỗ chay được nấu rất khéo, bắt chước những mâm cỗ mặn trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam nhưng nguyên liệu chế biến đều là thực vật như đỗ, lạc, vừng, rau quả v...v... Hoà thượng Thích Thanh Mừng rất thạo chữ Hán, nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp và khi cô Naoami Yashuko nhắc đến những ngôi chùa nổi tiếng ở Nhật Bản thì ông gần như đều biết hết. Câu chuyện của các “đại gia” rất cao nhã nên tôi bị gạt ra rìa. Để giải sầu tôi chỉ có cách duy nhất là chén cho đẫy và ngắm xem trên trang phục của ông hoà thượng và cô nghiên cứu sinh Nhật Bản có gì sơ xuất hay không để về “buôn dưa lê” với thằng anh trai tôi. Sau bữa ăn, mọi người chia tay, họ cho nhau số điện thoại rồi hẹn gặp lại.

 

Mấy hôm sau tôi thấy bố tôi có vẻ hậm hực và chửi bới tay hoà thượng kia không thương tiếc. Hoá ra cô nghiên cứu sinh người Nhật Bản phàn nàn với ông vì đêm nào tay hoà thượng cũng gọi điện thoại cho cô, tán tỉnh cô ta rất trơ tráo đến nỗi cô ta phát ngượng, chẳng hiểu ra làm sao cả.

 

Bố tôi hậm hực: 

 

-           Thực sự là một trò quấy rối tình dục bỉ ổi. Thực tức quá! Sao tôi lại ngu ngốc dẫn cô nghiên cứu sinh người Nhật Bản đến cái chùa ấy chứ! Thật xấu hổ! Tại mày muốn thế, Gioocgiơ Đông đanh! Tại mày muốn thế, Gioocgiơ Đông đanh!

 

Mẹ tôi rất khoái chuyện ấy và bình luận có phần ác ý:

 

-           Thì ông vẫn muốn giới thiệu với cô em người Nhật Bản những món văn hoá cổ truyền Việt Nam mà lị! Tại mày muốn thế, Gioocgiơ Đông đanh! Tại mày muốn thế, Gioocgiơ Đông đanh!

 

Theo sự bắt nhịp của một bà trưởng tràng trong hội Phật giáo, những người đi lễ sau khi an toạ bắt đầu đọc kinh A di đà. Bài kinh kể về sự tích đức Phật Thích ca Mâu ni (Xa kya Muni) làm theo lối thơ lục bát cổ truyền Việt Nam khá du dương và dễ hiểu.

 

Tôi nhìn xung quanh, bỗng nhận ra bác Bảo Định bạn của bố tôi ở Hà Nội, người ta vẫn gọi bác là Định “chó” vì bác chuyên nuôi chó, nuôi mèo và gà chọi. Trang trại của bác Bảo Định có hàng dãy chuồng chó, chuồng mèo và chuồng gà chọi. Làm việc cho bác có cả bác sỹ thú y. Họ vẫn lấy giống chó, giống mèo và bán ra những con giống với giá cắt cổ. Vốn tính hài hước, bác Bảo Định vẫn đùa mình đang hành nghề “mãi dâm chó mèo”! Ngược lại với người, người cho giống thì mất tiền, còn thú vật cho giống thì lại được tiền! Bác lập ra hội “chó săn, gà chọi” và vẫn nói đùa rằng nếu có tranh cử tự do thì sẽ ra tranh cử ở cấp phường là cấp chính quyền bét nhất nhưng độc tài nhất.

 

Bác Bảo Định mang mấy lồng chó cảnh, mèo cảnh chắc là lên bán ở chợ Lạng Sơn. Bác ăn mặc rất oách: mũ phớt, complet cavat... trông như là người đi dự hội nghị chó mèo toàn quốc! Trông thấy tôi, bác nháy mắt ra hiệu. Phần vì tàu đông, phần vì cả bác lẫn tôi đều cùng lỉnh kỉnh đồ đạc (nhất là món hàng đặc biệt mà tôi mang theo) nên tôi chỉ chào bác rất to, hẹn xuống ga sẽ gặp lại bác.

 

Tàu đến ga Vôi thì có một đoàn giáo dân theo đạo Kitô chen lên tàu. Họ cũng đi lên Lạng Sơn làm lễ. Họ ngồi đối diện với đoàn Phật tử ở đầu toa tầu bên kia. Khi đám Phật tử đọc kinh thì những giáo dân này cũng bàn bạc với nhau rồi bắt nhịp hát Thánh ca. Đa số giáo dân là những cô gái còn trẻ. Họ hát bài “Đêm thánh vô cùng” hay tuyệt, hay đến nỗi đám bà già Phật tử bị lép vế bèn thôi không thèm cầu kinh nữa! Khi kết thúc bài hát Thánh ca thì tất cả đều vỗ tay tán thưởng.

 

Tôi cũng thuộc bài hát “Đêm thánh vô cùng” vì trước đây con bé Huyền mờ đã dậy tôi hát bài hát này. Tôi đã song ca bài hát này cùng nó trong lễ bế giảng ở cái trường tư thục khốn nạn kia và được tay đại tá hiệu trưởng râu ria thưởng cho một tá bút bi cùng một gam giấy Bãi Bằng. Tôi đã mang phần thưởng này về cho bố tôi và bố tôi rất khoái. Ông vẫn thích viết trên những tờ giấy trắng tinh không có dòng kẻ.

 

Những người giáo dân thấy tôi cùng hát với họ thì tưởng tôi cũng theo đạo Kitô. Vì vậy khi tàu đến ga Đồng Bẩm, tôi cũng được họ chia cho một suất ăn trưa gồm xôi, chuối và một lon nước Fanta ướp lạnh.

 


© Nguyễn Huy Thiệp